
Bắt buộc xác thực sinh trắc học
Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7/2025, các tổ chức, doanh nghiệp buộc phải hoàn tất xác thực sinh trắc học của người đại diện hợp pháp mới có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử như rút tiền, chuyển khoản.
Việc xác thực yêu cầu người đại diện cung cấp và đối chiếu giấy tờ tùy thân hợp lệ cùng dữ liệu sinh trắc học tại quầy giao dịch hoặc qua ứng dụng ngân hàng (áp dụng cho công dân Việt Nam). Giấy tờ hợp lệ bao gồm căn cước công dân có gắn chip hoặc hộ chiếu còn hiệu lực đối với người nước ngoài.
Đáng chú ý, các ngân hàng sẽ không chủ động gửi đường dẫn yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP hay dữ liệu cá nhân khác. Khách hàng cần cảnh giác trước nguy cơ lừa đảo. Sau ngày 1/7, nếu chưa hoàn tất đối chiếu, khách hàng tổ chức sẽ không thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ thanh toán và rút tiền qua các kênh điện tử.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thông tin: “Hiện có khoảng trên 200 triệu tài khoản ngân hàng được mở, nhưng mới chỉ hơn 113,5 triệu tài khoản được đối chiếu sinh trắc học. Có thể coi những tài khoản chưa xác thực là "tài khoản chết", "ngủ đông" và tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho mục đích lừa đảo, gian lận”.
Tính đến tháng 5/2025, ngành ngân hàng đã xác thực hơn 130,5 triệu hồ sơ cá nhân và hơn 711.300 hồ sơ tổ chức. Dù vậy, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Xác thực sinh trắc học không phải giải pháp triệt để ngăn chặn mọi rủi ro mất tiền. Thậm chí đã xuất hiện hiện tượng nuôi người cho thuê tài khoản, sẵn sàng đưa mặt xác thực khi có yêu cầu chuyển tiền”.
Chính thức “khai tử” thẻ từ
Để nâng cao mức độ an toàn bảo mật, từ ngày 1/7/2025, các ngân hàng chính thức ngừng hoàn toàn giao dịch với thẻ từ, áp dụng cho cả thẻ nội địa công nghệ từ và phần dải từ trên thẻ chip hoặc thẻ không tiếp xúc.
Thẻ từ là loại thẻ dễ bị sao chép và giả mạo thông tin, khiến người dùng đối mặt với nhiều rủi ro bảo mật. Trong khi đó, thẻ chip (EMV) sử dụng công nghệ mã hóa hiện đại, tạo mã giao dịch duy nhất cho mỗi lần sử dụng, từ đó ngăn chặn hành vi gian lận, sao chép.
Thực tế các ngân hàng và người dùng thẻ đã có thời gian dài chuẩn bị cho việc này thông qua việc miễn phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng.
Để tránh bị gián đoạn giao dịch, ngân hàng khuyến cáo khách hàng chưa chuyển đổi thẻ nên kiểm tra lại, nếu thẻ chỉ có dải từ, cần sớm đến chi nhánh ngân hàng để chuyển đổi thẻ chip miễn phí.
Ngoài ra, kể từ hôm nay 1/7, Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng cũng có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt trong việc tạo môi trường pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các giải pháp tài chính dựa trên công nghệ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Có lẽ đây là sandbox đầu tiên của Việt Nam”.
Theo Nghị định 94, có 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm gồm: Chấm điểm tín dụng, Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), Cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Trong quá trình triển khai Nghị định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia cơ chế thử nghiệm.
Lê Phương (TTXVN)
Nguồn baotintuc.cn